Thử hình dung diện mạo Thành Phố Thủ Đức
Phía đông Sài Gòn tương lai sẽ là một thành phố phát triển. Khu vực này (quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2) có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế.
Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM để góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ 4 đề án về mô hình phát triển mới của TP.HCM, trong đó có đề án thành lập Thành Phố Thủ Đức (thành phố phía đông của TP.HCM).
“Sự thành công của khu đô thị này sẽ thêm một dấu son trong hành trình sáng tạo trong lịch sử hơn 300 năm của TP.HCM” – TS Trương Minh Huy Vũ, giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP), Đại học Quốc gia TP.HCM, đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu cho Đại học Quốc gia về đề án thành phố phía đông Sài Gòn, chia sẻ.
Ông Vũ nói: “Thành phố phía đông Sài Gòn với mục tiêu giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế của TP.HCM, tập trung vào kinh tế tri thức, công nghệ cao và tạo động lực cho toàn vùng Đông Nam Bộ”.
Ý tưởng đúng hướng, hành động đúng thời điểm
* Khu đô thị phía đông sẽ ghi tiếp một dấu son trong hành trình sáng tạo suốt hơn 300 năm của TP.HCM, nghĩa là sao thưa ông?
– Những năm trở lại đây các lý thuyết, mô hình phát triển trên thế giới đều nói về sự tập trung hay sự hội tụ tri thức sẽ thúc đẩy năng suất. Trong sản xuất có khái niệm cụm ngành (cluster), trong công nghiệp có khái niệm chuỗi giá trị (value chain).
Tất cả mang điểm chung về hình dung một không gian cùng chia sẻ bởi một nhóm thành viên theo đuổi một mục tiêu. Các nhóm này có thể cùng tương hỗ hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Hiện tượng “Buôn có bạn, bán có phường” là động lực thúc đẩy sáng tạo.
Nhìn vào lịch sử phát triển của TP.HCM chúng ta thấy rất rõ việc này. Từ những ý tưởng ban đầu của TP.HCM về “xé rào” để bỏ đi những lực cản, cho đến ý tưởng và xây dựng nên những khu vực chuyên ngành mang tính hội tụ. Khu chế xuất Tân Thuận, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao TP.HCM là các thí dụ tiêu biểu.
Các mô hình cụm ngành công nghệ, cụm ngành chuyên đề trên thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ và đối tác trong chuỗi giá trị cần thiết. Đó cũng là sân chơi quan trọng cho sự chuyển giao công nghệ, quá trình học hỏi, chuẩn hóa quy trình quản lý và thúc đẩy chất lượng lao động từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho các công ty, nhà sản xuất trong nước.
Với những nền tảng trên, TP.HCM đặt ra việc xây dựng một khu đô thị sáng tạo phía đông là ý tưởng đúng hướng và hành động đúng thời điểm.
* Tại sao lại là khu phía đông mà không phải những khu vực khác?
– Khu đông TP.HCM gồm quận 2, quận Thủ Đức và quận 9 hội tụ nhiều nhất các điều kiện thành công ý tưởng. Đặc biệt hiện có ở đây Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM, trong đó khu đô thị Đại học Quốc gia có 7 cơ sở đào tạo của các trường thành viên và 27 đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ trực thuộc.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến các trường Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Việt Đức, hay Đại học Thể dục thể thao láng giềng. Hay Khu công nghệ cao nằm tại quận 9 với các tập đoàn công nghệ (Intel, Nidec, Samsung, Jabil), cùng sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong lẫn ngoài nước. Những tiền đề trên rất quan trọng để TP.HCM tính toán mức độ khả thi tại khu vực này.
* Theo ông, việc xây dựng một đô thị trên một diện tích rộng, trải dài trên 3 quận lớn vậy có những trọng tâm nào?
– Với diện tích khu vực quá lớn của khu đông (diện tích tự nhiên là 211,57km2, quy mô hơn 1,169 triệu dân), nếu đòi hỏi sự hội tụ của khu đô thị ngay lập tức gần như không khả thi, thậm chí ảo tưởng. Do vậy khi làm phải khu trú, tạo thành cụm, điểm, trước khi tính đến sự lan tỏa để bảo đảm khả thi trong ngắn, trung và dài hạn.
Khu đông được định hướng thành 6 trọng điểm sáng tạo, bao gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao. Sự phân cụm này tập trung vào việc phát triển có trọng tâm và chọn tiếp cận hình thành các khu đô thị trước.
Cần những người “ghi điểm” và chịu trách nhiệm
* Ông nói cần phải tạo thành cụm, điểm trước khi tính đến sự lan tỏa, nghĩa là phải chọn một số trọng điểm để làm trước?
– Không nhất thiết phải phát triển cùng lúc cả 6 trọng điểm với yêu cầu ngay lập tức phải có đầy đủ những đặc tính.
Nhìn lại 6 trọng điểm được chọn, hiện nay khu Trường Thọ và Tam Đa mật độ dân cư, cũng như các hoạt động liên quan đến các ngành nghề sáng tạo gần như chưa có. Khu Rạch Chiếc chỉ mới khởi động với nhiều dự án đô thị, khu thể thao chức năng đang hình thành.
Như vậy chỉ còn 3 khu là Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao đã có sẵn con người, các hoạt động tương tác, cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu hình thành các cụm dân cư với các hoạt động định hướng sáng tạo.
Trong đó Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia là hai nơi khả thi, sẵn sàng nhất và cần ưu tiên phát triển. Hai nơi này tập trung nhân lực có trình độ, chuyên môn cao, có các doanh nghiệp thường xuyên làm việc với khoa học công nghệ, nghiên cứu, sản xuất…
Quan trọng hơn: hai khu này đều có địa chỉ cụ thể của cá nhân hay tập thể sẽ “ghi điểm” khi mô hình thành công, hay chịu trách nhiệm khi các ý tưởng chỉ nằm trên giấy.
* Người “ghi điểm” hay cơ chế chịu trách nhiệm ở đây nên hiểu như thế nào?
– Để hiện thực hóa đề án cần có thể chế, lộ trình phù hợp và phải chọn được cá nhân hoặc nhóm cá nhân có cùng cơ chế để gắn trách nhiệm cụ thể, nếu không sẽ thất bại. Nếu TP.HCM không tạo ra được cơ chế rõ ràng như vậy, có thể đến năm 2026 chúng ta tiếp tục ngồi bàn cách làm khu đô thị sáng tạo hoặc một khu đô thị với các dự án bất động sản mà không có yếu tố sáng tạo, tương tác cao.
Có nghĩa phải có người gắn trách nhiệm vào dự án, hay một địa chỉ cụ thể của người sẽ “ghi điểm” từ việc thực hiện thành công trọng điểm sáng tạo. Nếu làm tốt họ sẽ có thành tích, đó có thể là sự thăng tiến trong sự nghiệp hay vinh dự nhận được gắn liền với một tên tuổi.
Ví dụ như One North (Singapore) hoặc 22@Barcelona (Tây Ban Nha) cũng xuất phát và phát triển gắn với ý tưởng của một nhóm người cùng nhìn thấy được lợi ích, cùng đạt được thắng lợi khi thực hiện dự án. Như vậy có người làm và người chịu trách nhiệm, có người thắng, người “ghi điểm” trong việc này.
Sứ mệnh, nhiệm vụ, chương trình đều gắn hết vào trách nhiệm của cá nhân hay tập thể đó. Yêu cầu cơ chế thưởng – phạt đối với việc phát triển các trọng tâm đồng nghĩa với việc phải xác định cụ thể người đứng ra chịu trách nhiệm hay chịu kỷ luật nếu các ý tưởng không được hiện thực hóa.
* Có thể hình dung diện mạo 6 trọng điểm của khu đô thị phía đông sẽ ra sao trong tương lai?
– Khó nói về diện mạo tương lai của 6 trọng điểm sáng tạo như thế nào vì không ai nói được tương lai sẽ đi đến đâu, đặc biệt là tốc độ phát triển của công nghệ. Tại hai khu Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao đã có tính sáng tạo nhưng vẫn cần tăng cường sự tương tác cao nội khu, bởi không gian còn bị chia cắt và thiếu hạ tầng tương tác.
Để giải quyết những vấn đề trên, TP.HCM cần tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các kết nối giao thông, xây dựng không gian dùng chung giữa hai trọng điểm. Đó có thể là đường kết nối giao thông hai khu, khu hầm đi bộ, cầu vượt… để tạo ra giao thông kết nối nội khu và giữa hai khu một cách thuận tiện nhất.
Đó cũng có thể là các quần thể ăn uống, thương mại, khu sự kiện… để các doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên, sinh viên… của hai khu tương tác với nhau. Sự tương tác cao còn nằm ở các chương trình hợp tác được thúc đẩy bằng ngân sách của Nhà nước.
Hội thảo, sự kiện khoa học, triển lãm, cuộc thi khởi nghiệp, ngày hội việc làm là không gian tương tác chung tạo ra sự hợp tác, thúc đẩy các tranh luận và trao đổi các phương thức khác nhau để tăng năng suất.
Khẩn trương trình Quốc hội đề án lập thành phố Thủ Đức
Đó là yêu cầu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Thành ủy ngày 24-7-2020.
Ông Nhân nói sau khi hợp nhất 3 quận, khu vực này sẽ có diện tích đất rất lớn – 22.000ha, bằng 1/10 diện tích TP.HCM; dân số trên 1 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế TP.HCM.
Ông Nhân nhấn mạnh từ yêu cầu hình thành một vùng tăng trưởng mới, TP.HCM đề xuất hợp nhất 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức thành một thành phố trực thuộc TP.HCM. Việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Các bước triển khai đề án
* Ngày 23-11-2019: UBND TP.HCM trao giải nhất cho đội Sasaki – Encity về ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông.
* Ngày 24-4-2020: UBND TP.HCM thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông gồm 22 thành viên, do ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, làm trưởng ban.
* Tháng 5-2020: Sở Nội vụ đã có tờ trình UBND TP.HCM về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên ở TP.HCM giai đoạn 2019 – 2021. Trong đó có bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP.HCM (tạm gọi là thành phố phía đông). UBND TP.HCM cũng hoàn thiện đề án lập thành phố phía đông để trình trung ương xem xét.
* Ngày 25-5-2020: Sở Quy hoạch – kiến trúc đề xuất điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 khu Linh Trung, Tam Đa, Trường Thọ để sớm thực hiện các dự án trong khu đô thị.
* PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (trưởng khoa luật Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu):
Sáng tạo thể chế, cải cách hành chính
Việc TP.HCM chọn thành lập khu đô thị sáng tạo ở phía đông là hợp lý, bởi khu vực này được quy hoạch trở thành khu tài chính, kỹ thuật. Điều này càng hợp lý khi giai đoạn này TP.HCM được định hình trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao chứ không phải giai đoạn thu hút, phát triển công nghiệp như trước đây.
Khu vực này dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm hiện hữu nên việc đầu tư, kết nối hạ tầng sẽ thuận lợi, đỡ tốn kém và đảm bảo tiến độ thi công hơn các khu khác. Ngoài ra, ở đây cũng có sẵn nhiều trường đại học, là tiền đề tốt để xây dựng một thành phố sáng tạo, tương tác cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo thành công đề án phải lưu tâm đến việc kết nối giao thông trong 6 trọng điểm. Cùng với đó là quy hoạch vành đai xanh thật tốt, bởi thành phố này tương lai kỳ vọng những người thu nhập cao sống, nếu môi trường không trong lành, đảm bảo an toàn sẽ không ai tìm đến sinh sống. Đồng thời phải chứng minh hiệu quả đầu tư và có những cải cách thủ tục hành chính thực chất, thông minh.
Một đô thị mới có cơ sở hạ tầng giao thông tốt nhưng mọi thứ như cũ thì chính quyền đô thị đó không có gì mới. Mới ở đây không chỉ về giao thông, công nghệ mà còn sáng tạo trong thể chế, cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế khuyến khích lao động thu nhập cao, công nghệ cao tới sống.
* Luật sư Seck Yee Chung (Công ty luật quốc tế Baker Mckenzie):
Phải nâng cao đời sống, tri thức người dân
Ở cấp độ cơ bản để phát triển một đô thị mới, điều quan trọng là phải có cơ sở hạ tầng phù hợp, từ mạng lưới giao thông đến hệ thống năng lượng sạch và hạ tầng kết nối. Những yếu tố này tạo ra cơ hội phát triển của các đô thị thông minh, chẳng hạn mạng lưới điện thông minh, năng lượng mặt trời trên mái nhà, hệ thống canh tác nông nghiệp nhiều tầng và trung tâm dữ liệu, mạng 5G.
Các khu vực này cũng có thể cho phép thí điểm hệ thống xe hơi tự lái, những phương tiện thân thiện với môi trường như hạ tầng phục vụ xe điện. Những nhu cầu này mở ra cánh cửa thu hút vốn đầu tư tư nhân lẫn đầu tư công, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Có như vậy hình thành một đô thị mới diễn ra nhanh chóng và đúng kỳ vọng.
Ngoài hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề và nâng cao lực lượng lao động có tay nghề cũng là một thành phần quan trọng để xây dựng một đô thị mới hiện đại, thông minh thành công. Nhu cầu sử dụng các kỹ sư phần mềm, nhà khoa học dữ liệu, lập trình viên và giáo dục STEM rõ ràng là cần thiết cho quá trình vận hành một khu đô thị thông minh.
Ngoài ra TP.HCM cũng cần chú trọng đến đầu tư giáo dục, các ngành quản trị kinh doanh, luật và tài chính, cũng như các bộ môn khoa học xã hội như ngôn ngữ, lịch sử và văn học. Một cộng đồng đổi mới thành công đòi hỏi phải phát triển đầy đủ các kỹ năng, tư duy và sáng tạo một cách cân bằng.
Mô hình đô thị mới phải thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân.
* GS Hà Tôn Vinh:
Cần tạo lập các nền tảng công nghệ
Lập thành phố sáng tạo phía đông TP.HCM sẽ mang tới cho quận 2, quận 9, quận Thủ Đức những cơ chế hỗ trợ đặc biệt để phát triển đô thị dựa trên 3 khu chính là khu đào tạo bậc cao tại quận Thủ Đức với hạt nhân là Đại học Quốc gia TP.HCM, các đại học, viện nghiên cứu trực thuộc; Khu công nghệ cao TP.HCM tại quận 9 tập trung phát triển các ngành công nghệ mới, tiên tiến và khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính, kinh doanh.
Thành phố sáng tạo phía đông của TP.HCM được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh hơn, nhanh hơn nhờ cơ chế đột phá. Nhưng nguồn lực đầu tư hạ tầng nền tảng cho thành phố sáng tạo phía đông hiện tại chỉ có thể từ hai nguồn: thu ngân sách của TP.HCM được trung ương để lại hoặc Chính phủ trực tiếp bổ sung nguồn lực cho thành phố.
Để làm một thành phố thông minh cần tầm nhìn trên 10 năm, trước mắt cần tạo lập các nền tảng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ví dụ doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu nông sản qua mạng, người dân có thể thực hiện mọi thủ tục bảo hiểm, khám bệnh, đăng ký đi học qua mạng…
Vấn đề đặt ra với một thành phố sáng tạo, thông minh là công nghệ thay đổi rất nhanh, có khi 6 tháng đến 1 năm thì công nghệ đã có thay đổi. Nên nếu không có tầm nhìn tốt thì đầu tư hệ thống công nghệ vào thời điểm này nhưng 1-2 năm tới sẽ không còn phù hợp khi các nền tảng công nghệ mới ra đời.
Điều quan trọng nhất là phải đầu tư nhiều cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, tập trung đào tạo con người cho thành phố sáng tạo. Muốn xây dựng thành phố sáng tạo, thành phố thông minh trước hết cần thực hiện tốt chính quyền điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đây cũng là một nền tảng quan trọng để tạo lập thành phố sáng tạo phía đông TP.HCM. Đây là vấn đề dễ làm, tốn ít chi phí hơn so với đầu tư cơ sở hạ tầng khác của thành phố sáng tạo phía đông TP.HCM.
Nguồn : Từ Báo Tuổi Trẻ Ngày 27/08/2020