Giá đất khu quy hoạch “Thành phố Thủ Đức” tăng chóng mặt
Thời gian gần đây, bất chấp dịch bệnh, giá địa ốc quận Thủ Đức vẫn tăng mạnh và càng “sốt xình xịch” khi có thông tin thành lập thành phố phía Đông.
“Thủ phủ” Trường Thọ, giá đất “bỏng” tay
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã đồng ý chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức (còn gọi là thành phố phía Đông) trên cơ sở sắp xếp 3 quận gồm: Quận 2, 9 và Thủ Đức.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng chọn phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) là Khu đô thị trung tâm của Thành phố Thủ Đức. Tương lai, nơi đây sẽ hình thành Trung tâm công nghệ giáo dục ĐHQG TPHCM.
Quận Thủ Đức là thành phần của TP Thủ Đức, nằm ở cửa ngõ phía Đông, có đường Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội xuyên suốt qua địa bàn quận kết nối với cao tốc TPHCM – Long Thành, cao tốc TPHCM – Trung Lương…
Thông tin nơi đây là “thủ phủ” của thành phố mới đã làm giá đất tăng chóng mặt, trong đó, điểm nổi bật là phường Trường Thọ.
Nhiều lô đất có diện tích từ 50 – 100m2 trên một số tuyến đường trục như: Đường số 2, 8, 11, 12… từ 1,5 – 7 tỷ đồng/nền. Một số tuyến đường khác là Đặng Văn Bi, Hồ Văn Tư, Nguyễn Văn Ba… giá dao động từ 60 – 90 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, qua ghi nhận của một số kênh khảo sát bất động sản cho biết, trong quý III, đất của quận Thủ Đức đã tăng nhẹ từ 4 đến hơn 6% so với quý I. Đối với phường Trường Thọ, ghi nhận mức tăng đột biến hơn 40% (tăng thêm hơn 10 triệu đồng/m2). Vào thời điểm tháng 8, giá đất phường Trường Thọ có dấu hiệu bứt phá hơn so với các phường còn lại.
Đối với phân khúc chung cư, phường Trường Thọ có quỹ đất hạn hẹp và nhiều năm qua đã phát triển khá nhanh các dự án căn hộ. Qua tìm hiểu, vào giai đoạn 2010, giá căn hộ chung cư ở phường Trường Thọ đã có mức tăng từ 24 – 28 triệu đồng/m2 và nay đã tăng hơn 30 triệu đồng/m2.
Chị Vũ Phương Linh, ngụ đường Einstein, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức cho biết, đất ở đây giờ muốn mua phải có vài chục tỷ đồng trong tay. Với lại, người bán chỉ bán những mảnh đất lớn từ 1.000 – 1.600m2 trở lên chứ không bán đất diện tích nhỏ. Giá đất trên 65 triệu/m2.
Điển hình, một mảnh đất mặt tiền đường Einstein diện tích 1.612m2 được chủ rao bán ngày 31/8 với giá 136 tỷ đồng. Trong khi trước đó 1 tuần, cũng mảnh đất có giá tương tự 32x50m giá rao chỉ 127 tỷ đồng, 2 tháng trước thì 113 tỷ đồng.
Với những mảnh đất diện tích vừa vừa cũng giá tầm 10 tỷ đồng. Lô đất nở hậu, hẻm xe hơi 5m, ngay đường số 2, phường Trường Thọ, diện tích 155,6m2 (27,46×5,3m) được hét giá 9,2 tỷ đồng. Giá cũng gần 60 triệu đồng/m2.
Ở các phường khác của quận Thủ Đức thì giá đất cũng không thấp hơn là bao nhưng diện tích đất có thể dễ thở hơn với người mua.
Ông Lê Minh Tuấn, ngụ tại P.Linh Đông, Thủ Đức thì cho biết, giá đất đã tăng gấp 5-10 lần tuỳ vị trí, tuỳ vào từng phường. Ông Tuấn dự đoán đất nơi đây sẽ tăng nữa.
Theo một số môi giới, giá phân khúc chung cư vẫn tương đối ổn định so với tình trạng tăng nhiệt của đất nền, nhà phố. Nguyên nhân, nguồn cung vẫn còn ít và không có nhiều dự án mới kể từ năm 2019.
Ngoài ra, kể từ khi có thông tin phường Trường Thọ trở thành trung tâm của thành phố phía Đông, đã có nhiều nhà đầu tư đi khảo sát thị trường. Rất nhiều khách hàng quan tâm đến phân khúc đất nền, nhà ở xây sẵn có giá bán dưới 3,5 tỷ đồng. Hiện nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi thêm thông tin trước khi xuống tiền.
Gom đất hoặc án binh
Với việc có chủ trương thành lập thành phố phía Đông đã khiến cho giá bất động sản tại các khu vực quận 2, 9 và Thủ Đức bắt đầu nhận được sự chú ý mạnh từ các nhà đầu tư.
Anh Hoàng Quân (ngụ quận Thủ Đức) làm nghề “cò đất” cho biết, những ngày qua đã nhận được rất nhiều điện thoại từ bạn bè lẫn khách hàng yêu cầu tìm đất để đầu tư. Tuy nhiên, với việc giá đã lên khá cao nên nhiều nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.
“Sau khi có thông tin thành lập thành phố phía Đông thì giá nhà đất ở quận Thủ Đức có nhiều biến động. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu kéo về đây nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, với việc giá đã tăng cao trong vài năm qua và đến nay tiếp tục tăng đã khiến nhiều nhà đầu tư rất thận trọng…”, anh Quân chia sẻ.
Còn theo anh Mạnh Hiệp “cò đất” ở khu vực làng Đại học cho rằng, đã có không ít nhà đầu tư chấp nhận xuống tiền để tham gia cuộc chơi đi đầu. Nhiều nhà đầu tư đã gom đất để chờ những diễn biến tiếp theo. Trong đó là việc chờ triển khai xây dựng hạ tầng của thành phố.
“Chỉ cần có động thái xây dựng hạ tầng từ thành phố thì giá sẽ có biến động ngay. Với lợi thế đất còn rộng và nhiều, nên nhiều khách hàng gom rồi án binh. Chưa kể dịch bệnh cũng khiến việc mua bán, thương lượng về giá cũng dễ dàng khi gặp những người có nhu cầu bán thật…”, anh Hiệp cho hay.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho hay, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những tác động trực tiếp từ thông tin thành lập TP. Thủ Đức. Bên cạnh đó, dù vẫn chưa có đủ những thông tin chính thức để người dân đủ để hình dung ra diện mạo của một “thành phố trong thành phố”, nhiều chủ đầu tư đã tận dụng thời cơ để quảng cáo nâng tầm giá trị dự án và qua đó tác động làm tăng giá bất động sản khu vực này.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân cho rằng, mỗi thông tin về quy hoạch bị lợi dụng để đẩy giá đất lên đều ẩn chứa rất nhiều hệ lụy.
“Thị trường Thủ Đức nói riêng và khu Đông nói chung trong thời gian gần đây đã bị đẩy giá lên rất cao. Nếu không kiểm soát tốt, bất động sản cứ tăng giá liên tục sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ bong bóng của toàn thị trường”, ông Chánh bình luận.